Mua bán nhà đất là loại giao dịch có giá trị lớn. Chúng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhất là khâu thủ tục, giấy tờ. Vậy các loại giấy tờ cần thiết khi mua bán nhà đất là gì? Hãy cùng Blog Bất Động Sản tìm hiểu trong bài viết để thực hiện giao dịch mua bán Bất Động Sản được thuận lợi hơn nhé.
Nội dung chính:
- Các loại giấy tờ cần thiết khi đi công chứng, chứng thực
- Giấy tờ cần thiết khi khai thuế TNCN, lệ phí trước bạ
- Giấy tờ cần thiết khi đăng ký biến động
- Những câu hỏi thường gặp về giấy tờ mua bán nhà đất
- Câu hỏi 1: Khi mua bán nhà đất cần những giấy tờ gì?
- Câu hỏi 2: Thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất như thế nào?
- Câu hỏi 3: Chi phí công chứng giấy tờ mua bán nhà đất là bao nhiêu?
- Câu hỏi 4: Sau khi công chứng hợp đồng, cần làm gì để sang tên sổ đỏ?
- Câu hỏi 5: Làm sao để kiểm tra giấy tờ nhà đất có hợp pháp không?
- Kết luận
Các loại giấy tờ cần thiết khi đi công chứng, chứng thực
Theo quy định tại khoản 3, Điều 167, Luật Đất đai 2013, khi thực hiện chuyển nhượng, mua bán nhà đất, các bên được phép lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng. Mỗi loại sẽ có những yêu cầu giấy tờ đi kèm như sau:
Giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng
Giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng
Dựa theo khoản 1 Điều 40 và khoản 1, Điều 41 trong Luật Công chứng 2014, khi đi công chứng, các bên cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
Bên bán:
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
-
Giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng.
-
Sổ hộ khẩu.
-
Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân nếu đã kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu chưa kết hôn.
-
Nếu được ủy quyền thực hiện việc chuyển nhượng thay cho người khác thì phải có hợp đồng ủy quyền.
Bên mua:
-
Giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng.
-
Sổ hộ khẩu.
-
Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân nếu đã kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu chưa kết hôn.
-
Ngoài các loại giấy tờ trên, các bên có thể soạn thảo trước hợp đồng. Hoặc nếu không, các bên có thể yêu cầu tổ chức công chứng soạn thảo giúp.
Giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực
Theo khoản 1, Điều 36, Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người yêu cầu chứng thực phải nộp các giấy tờ sau:
-
Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.
-
Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng (mang kèm theo bản chính để đối chiếu).
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy tờ cần thiết khi khai thuế TNCN, lệ phí trước bạ
Giấy tờ cần thiết khi khai thuế TNCN, lệ phí trước bạ
Sau khi công chứng, chứng thực thành công hợp đồng mua bán nhà đất, người mua cần phải thực hiện việc kê khai thuế và nộp lệ phí trước bạ. Dù có thuộc trường hợp được miễn thuế TNCN, lệ phí trước bạ thì bạn vẫn phải tiến hành kê khai.
Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định trong khoản 4, Điều 21, Thông tư 92/2015/TT-BTC, Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản gồm:
-
Tờ khai thuế TNCN theo mẫu số 03/BĐS-TNCN.
-
Bản chụp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
-
Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.
-
Giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế.
Hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ
Căn cứ theo điểm b, khoản 4, Điều 1, Nghị định 20/2019/NĐ-CP, hồ sơ khai lệ phí trước bạ gồm các giấy tờ sau:
-
Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu số 01.
-
Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng minh nhà, đất có nguồn gốc hợp pháp theo quy định.
-
Bản sao hợp đồng chuyển nhượng.
-
Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh tài sản hoặc chủ tài sản thuộc diện miễn lệ phí trước bạ.
Giấy tờ cần thiết khi đăng ký biến động
Giấy tờ cần thiết khi đăng ký biến động
Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký biến động hay còn gọi là thủ tục sang tên Sổ đỏ. Căn cứ theo khoản 2, Điều 7, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, khi đăng ký biến động đất đai phải nộp những giấy tờ sau:
-
Đơn đăng ký biến động theo mẫu số 09/ĐK.
-
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng hoặc chứng thực.
-
Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Những câu hỏi thường gặp về giấy tờ mua bán nhà đất
Câu hỏi 1: Khi mua bán nhà đất cần những giấy tờ gì?
- Trả lời: Khi thực hiện mua bán nhà đất, các giấy tờ cần thiết bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ hoặc sổ hồng), CMND/CCCD và sổ hộ khẩu của bên bán và bên mua, giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận độc thân). Ngoài ra, nếu nhà đất có đồng sở hữu thì cần sự đồng ý của tất cả đồng sở hữu. Đặc biệt, hợp đồng mua bán nhà đất phải được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng để đảm bảo tính pháp lý.
Câu hỏi 2: Thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất như thế nào?
- Trả lời: Để công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, các bên cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan và đến văn phòng công chứng. Công chứng viên sẽ kiểm tra giấy tờ, soạn thảo hợp đồng và hẹn ngày ký kết. Khi ký, cả hai bên mua và bán cùng có mặt, ký vào hợp đồng trước mặt công chứng viên. Sau khi công chứng xong, các bên nhận bản chính hợp đồng để thực hiện bước tiếp theo là sang tên sổ đỏ tại cơ quan đăng ký đất đai.
Câu hỏi 3: Chi phí công chứng giấy tờ mua bán nhà đất là bao nhiêu?
- Trả lời: Chi phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất được tính theo giá trị tài sản giao dịch, thường dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Ngoài phí công chứng, có thể phát sinh thêm chi phí sao y bản chính, lệ phí trước bạ, phí đăng bộ sang tên. Mức phí cụ thể sẽ được niêm yết tại văn phòng công chứng, tuy nhiên nên hỏi trước để chuẩn bị tài chính đầy đủ.
Câu hỏi 4: Sau khi công chứng hợp đồng, cần làm gì để sang tên sổ đỏ?
- Trả lời: Sau khi công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, bên mua cần nộp hồ sơ sang tên tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND quận/huyện. Hồ sơ gồm: hợp đồng công chứng, giấy tờ cá nhân, sổ đỏ bản gốc, tờ khai thuế và lệ phí trước bạ. Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính (nộp thuế), cơ quan đăng ký sẽ cấp sổ đỏ mới đứng tên người mua.
Câu hỏi 5: Làm sao để kiểm tra giấy tờ nhà đất có hợp pháp không?
- Trả lời: Để kiểm tra giấy tờ nhà đất có hợp pháp hay không, người mua nên yêu cầu bên bán cung cấp bản gốc sổ đỏ/sổ hồng và kiểm tra các thông tin về thửa đất, chủ sở hữu. Có thể liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai nơi có bất động sản để kiểm tra thông tin quy hoạch, tranh chấp, thế chấp. Ngoài ra, nên tìm đến luật sư hoặc dịch vụ tư vấn pháp lý để được hỗ trợ kiểm tra tính hợp pháp trước khi tiến hành giao dịch.
Kết luận
Trên đây là các loại giấy tờ cần thiết khi mua bán nhà đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Hy vọng qua đó, bạn có được những thông tin hữu ích, giúp thực hiện giao dịch nhà đất một cách nhanh chóng, thuận lợi.